Chỉ số IP là gì? Ý nghĩa của nó đối với đèn năng lượng mặt trời

Phần lớn người dùng các thiết bị điện tử đều không mấy quan tâm đến các thông số/chỉ số kỹ thuật chi tiết của sản phẩm vì không có thời gian để xem xét chúng. Mặt khác, rất nhiều người tỏ ra không quan tâm là bởi vì họ không hiểu ý nghĩa của những chỉ số này.

Tiếp tục với những bài viết giải thích về các thông số kỹ thuật xuất hiện trong ngành công nghiệp năng lượng mặt trời, hôm nay GivaGroup sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về chỉ số IP xuất hiện trong các loại đèn năng lượng mặt trời, tấm pin mặt trời…

Chỉ số IP là gì?

IP là viết tắt của chữ Ingress Protection trong tiếng Anh, có thể dịch nôm na là Bảo vệ chống xâm nhập.

Việc đánh giá chỉ số bảo vệ IP được quy định bởi IEC (The International Electro-technical Commission) là Uỷ ban kỹ thuật điện quốc tế, đây là một tổ chức đánh giá các tiêu chuẩn và mức độ phù hợp được tất cả các nước trên thế giới công nhận. Họ cung cấp một tiêu chuẩn để đánh giá sản phẩm về khả năng và mức độ chống lại sự xâm nhập của bụi bẩn và nước.

  • IP là chỉ số thể hiện khả năng chống xâm nhập của bụi bẩn và nước. Hai con số đứng sau kí tự “IP” lần lượt là cấp độ chống bụi và chống thấm nước.
  • Có các cấp bảo vệ thường thấy như IP20, IP54, IP65, IP68…số càng lớn chứng tỏ thiết bị điện đó có khả năng chống bụi bẩn và chống thấm nước càng tốt.

Thông số IP này thường được áp dụng cho những ngành công nghiệp nào?

Đối với những người tiêu dùng như chúng ta việc càng nắm bắt, càng hiểu nhiều về sản phẩm sẽ càng làm cho việc lựa chọn mua trở nên dễ dàng và thuận lợi. Chính vì thế, nếu bạn hiểu rõ về chỉ số IP này thì chắc hẳn khi mua bất kì sản phẩm, thiết bị nào có áp dụng chỉ số IP bạn sẽ dễ dàng so sánh và lựa chọn hơn.

Chỉ số IP thường xuất hiện trong phần mô tả của các thiết bị điện tử như đèn chạy bằng điện mặt trời, điện thoại thông minh, đèn phòng tắm, đồng hồ đeo tay…Bất kể là loại thiết bị điện tử nào đều phải có hệ thống các board mạch, dây dẫn điện bên trong mà những linh kiện này thì sẽ hoạt động kém hiệu quả hoặc hư hỏng nếu có bụi bẩn bám vào quá nhiều, đặc biệt là tuyệt đối không được tiếp xúc với nước. Chính vì thế, những thiết bị điện tôi liệt kê ở trên là loại sử dụng ngoài trời hoặc nơi thường xuyên tiếp xúc với nước và hơi nước nên các thiết bị này đòi hỏi phải có cấu trúc kín, bảo vệ cho các bo mạch bên trong.

Lưu ý: Chỉ số chống xâm nhập IP (Ingress Protection) khác hoàn toàn với địa chỉ IP (Internet Protocol) của các thiết bị sử dụng mạng internet.

Giải thích rõ về thông số IP của các sản phẩm đèn năng lượng mặt trời

Ngày nay, với sự ứng dụng rộng rãi của ngành công nghiệp năng lượng mặt trời mà rất nhiều lĩnh vực sản xuất khác cũng theo đó mà phát triển theo một cách đầy mạnh mẽ. Điển hình là lĩnh vực sản xuất các thiết bị chiếu sáng, đèn năng lượng mặt trời đã rất phổ biến ở các nước phát triển như Mỹ, Úc, Đức…và đang có xu hướng du nhập rất nhanh chóng vào các nước đang phát triển như Việt Nam.

Do ứng dụng tấm pin mặt trời nên các thiết bị chiếu sáng này đòi hỏi phải được đặt và sử dụng ở bên ngoài trời. Mặt khác, khí hậu thời tiết và môi trường luôn thay đổi sẽ tác động đến những thiết bị đèn này, để đảm bảo các mạch điện tử bên trong không bị bụi bẩn từ môi trường cũng như thấm nước sau những trận mưa, sương sớm thì đòi hỏi các nhà sản xuất phải cấu tạo chúng thật kín kẽ.

Để có thể so sánh, xếp hạng về khả năng chống xâm nhập này của các loại đèn với nhau, chúng ta sẽ dựa vào chỉ số đánh giá tiêu chuẩn IP. Thông thường những sản phẩm cao cấp sẽ có tiêu chuẩn đánh giá IP tốt hơn những sản phẩm thường. Nếu chỉ số IP quá thấp, sản phẩm không chỉ dễ hư hỏng mà có thể bị chạm mạch, chập điện gây nguy hiểm cho người dùng.

Phân tích ý nghĩa của những con số trong cấp bảo vệ IP

Cấu trúc kí hiệu của thông số chống xâm nhập (IPXY) gồm các phần tử: IP, X (mức độ chống bụi) và Y (mức động chống thấm nước). Phần tử “IP” sẽ giữ nguyên còn X và Y sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào khả năng của thiết bị điện đó.

Con số đầu tiên (X) thể hiện mức độ chống sự xâm nhập của bụi bẩn vào bên trong thiết bị

Đối với khả năng chống bụi bẩn xâm nhập làm tắc nghẽn các bảng mạch, sẽ có 7 cấp độ với 7 khả năng tăng dần dưới đây:

X= Khả năng bảo vệ chống bụi bẩn xâm nhập
0 Không có
1 Bảo vệ ngăn chặn, chống lại sự thâm nhập của những vật rắn có kích thước đường kính 5cm
2 Bảo vệ ngăn chặn, chống lại sự thâm nhập của những vật rắn có kích thước đường kính lên đến 12 mm
3 Bảo vệ ngăn chặn, chống lại sự thâm nhập của những vật rắn có kích thước trên 2.5 mm
4 Bảo vệ ngăn chặn, chống lại sự thâm nhập của những vật rắn có kích thước trên 1 mm
5 Bảo vệ ngăn chặn, chống lại hạt bụi
6 Ngăn chặn, chống bụi tuyệt đối.

Con số thứ hai (Y) thể hiện mức độ chống thấm nước (chất lỏng)

Đối với khả năng chống nước thấm vào bên trong làm chập mạch, cháy mạch điện gây hư hỏng thiết bị và nguy hiểm cho người dùng, sẽ có 9 cấp độ với 9 khả năng tăng dần dưới đây:

Y= Khả năng chống thấm nước (chất lỏng)
0 Không có
1 Bảo vệ ngăn chặn, chống lại những giọt nước rơi thẳng đứng. Nước rơi theo phương thẳng đứng như nước mưa mà không có kèm theo gió thì không gây tác động gì tới hoạt động của thiết bị.
2 Bảo vệ ngăn chặn, chống nước, chống xâm nhập của nước ở góc nghiêng 45 độ. Hoặc khi thiết bị được đặt nghiêng 15 độ thì phun nước thẳng đứng cũng không gây ra ảnh hưởng hay tác hại nào
3 Bảo vệ, ngăn chặn, chống nước phun trực tiếp với góc lên đến 60 độ (như hiện tượng trời mưa kèm theo gió mạnh)
4 Bảo vệ, ngăn chặn, chống nước phun từ nhiều hướng, với giới hạn được cho phép
5 Bảo vệ, ngăn chặn, chống lại sự xâm nhập của nước vòi phun áp lực cao từ khắp mọi hướng, với giới hạn được cho phép
6 Bảo vệ, ngăn chặn và chống sự xâm nhập của những con sóng to lớn. Thiết bị có khả năng lắp đặt ở trên boong tàu và có khả năng chống chịu lại được các con sóng mạnh
7 Bảo vệ thiết bị ngâm trong nước trong 1 khoảng thời gian ngắn với áp lực nước nhỏ
8 Bảo vệ thiết bị có khả năng làm việc bình thường khi ngâm lâu ở trong nước dưới áp lực nhất định, bảo đảm không có hại do nước gây ra