[DIY] Hướng dẫn lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời độc lập từ A – Z

Càng ngày giá tấm pin năng lượng mặt trời càng giảm bởi nhu cầu lắp điện mặt trời tăng cao dẫn đến chi phí sản xuất giảm (sản xuất số lượng lớn sẽ rẻ hơn). Tuy nhiên, việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời độc lập (sử dụng ắc quy lưu trữ) rất tốn kém tiền bạc lẫn công sức. Chính vì vậy, rất nhiều người mong muốn tìm hiểu để tự mua từng loại thiết bị và tự tay lắp đặt một hệ thống điện mặt trời độc lập. Đó cũng là lý do mà tôi chia sẻ bài viết này.

Nếu bạn quyết định lắp đặt một hệ thống pin mặt trời để đáp ứng nhu cầu điện của gia đình mình. Hướng dẫn này sẽ rất có ích dành cho bạn đấy!

Hướng dẫn này cực kỳ chi tiết giúp bạn có thể dễ dàng làm được mọi thứ từng bước, từ việc lựa chọn mua các thiết bị cho đến việc lắp ráp, đấu nối chúng lại với nhau sao cho phù hợp.

Lắp đặt một hệ thống với quy mô lớn hay nhỏ, công suất bao nhiêu thì chính bạn mới là người biết rõ nhu cầu của mình. Tuy nhiên, nếu bạn không chắc mình có thể tự xác định được kích thước hệ thống điện mặt trời phù hợp thì GivaGroup có một công cụ đơn giản hỗ trợ bạn tại đây

Bạn chỉ cần nhập vào nhập vào chi phí hóa đơn tiền điện hàng tháng mình phải chi trả và nhấn “Enter”, hệ thống sẽ cho bạn biết kích thước dự án điện mặt trời phù hợp với gia đình bạn.

Đối với hệ thống điện năng lượng mặt trời độc lập, bạn sẽ cần phải có các thành phần cơ bản sau đây:

1. Các tấm pin mặt trời

2. Bộ điều khiển sạc năng lượng mặt trời

3. Inverter năng lượng mặt trời

4. Pin lưu trữ điện năng lượng mặt trời

Bên cạch các thành phần kể trên, bạn cũng sẽ cần một vài thứ khác như đầu nối MC4, bộ ngắt điện, cầu chì, dây cáp điện mặt trời, tủ điện… những thấy này còn gọi chung là phụ kiện năng lượng mặt trời.

Ở các bước tiếp theo, tôi sẽ giải thích chi tiết hơn cách để bạn có thể chọn mua các thiết bị kể trên theo nhu cầu của bạn.

Bước 1: Tính toán nhu cầu tải của bạn trong mỗi ngày

Trước khi chọn mua các thiết bị trên, bạn cần phải tính toán nhu cầu tải điện mà bạn cần là bao nhiêu, và các thiết bị tải đó chạy bao lâu trong một ngày… Việc tính toán tương đối đơn giản.

  1. Xác định xem có những thiết bị nào cần tải (quạt máy, đèn chiếu sáng, Tivi…) và thời gian bạn sử dụng chúng trong mỗi ngày là bao lâu (giờ).
  2. Xem thông số kỹ thuật của các thiết bị đó để nắm được công suất vận hành của chúng.
  3. Tính toán lượng kWh (hoặc Wh) dựa vào công suất và thời gian vận hành của từng thiết bị điện đó. Ví dụ: Bạn sử dụng 4 cái đèn huỳnh quang công suất 10W chiếu sáng trong vòng 5 giờ, thì lúc đó lượng điện tiêu thụ sẽ là 4 x 10W x 5 giờ = 200Wh (watt-giờ).
  4. Tính tổng lượng điện tiêu thụ: Tương tự như đèn huỳnh quang, hãy dùng cách đó để tính điện tiêu thụ cho tất cả các thiết bị còn lại, sau đó cộng chúng lại với nhau. Ví dụ: bạn sử dụng thêm 1 chiếc tivi 75W 2 tiếng mỗi ngày, 2 chiếc quạt 55W 8 tiếng mỗi ngày => Tổng lượng tiêu thụ của 3 thiết bị là 200 + 150 + 880 = 1230Wh mỗi ngày.

Bạn cần xem xét để trừ hao 30% năng lượng có thể bị thất thoát trong hệ thống. Do đó, tổng lượng điện mặt trời tiêu thụ mỗi ngày sẽ là 1230 x 1,3 ≈ 1.600Wh.

Như vậy, là chúng ta đã cùng nhau hoàn thành phần tính toán nhu cầu tải điện. Tiếp theo, chúng ta sẽ lựa chọn các thành phần phù hợp với yêu cầu tải đó.

Bước 2: Lựa chọn tấm pin năng lượng mặt trời

Pin mặt trời chuyển đổi ánh nắng mặt trời thành điện năng dưới dạng dòng điện một chiều (DC). Chúng thường có các loại phổ biến là pin mặt trời đơn tinh thể (mono), pin năng lượng mặt trời đa tinh thể (poly) và một loại ít được sử dụng là pin màng mỏng. Xét 2 loại thường được sử dụng cho các hệ thống năng lượng mặt trời, thì pin Mono có hiệu quả chuyển đổi tốt hơn Poly, tuy nhiên chúng có giá đắt hơn.

Điều kiện thử nghiệm tiêu chuẩn (STC) của các tấm pin mặt trời là bức xạ 1000W/m², quang phổ mặt trời AM 1.5 và nhiệt độ mô-đun ở 25°C.

Kích thước tấm pin năng lượng mặt trời sẽ được lựa chọn dựa trên khả năng sạc đầy pin (ắc quy) trong thời gian một ngày.

Trong suốt 12 tiếng ban ngày, ánh sáng mặt trời phân bổ không đồng đều qua từng thời điểm, nó cũng thay đổi tùy vào vị trí địa lý của bạn. Tại Việt Nam, số giờ nắng ở miền bắc chỉ khoảng 3 – 4 giờ trong khi miền nam có thể 4 – 6 giờ mỗi ngày. Do đó ở bài hướng dẫn này, chúng ta sẽ lấy con số trung bình để giả sử là 4 giờ nắng mỗi ngày.

Bạn có thể xem chi tiết số giờ nắng của địa phương mình, trong bài viết về bức xạ mặt trời của chúng tôi.

Tổng công suất của mảng pin năng lượng mà ta cần sẽ là 1600Wh / 4 = 400W. Với mức công suất này bạn có thể lựa chọn 4 tấm pin 100W hoặc đơn giản là lựa chọn 1 tấm pin năng lượng mặt trời 400W

Bước 3: Lựa chọn bình ắc quy năng lượng mặt trời

Đầu ra của các tấm pin mặt trời là dòng điện một chiều (DC). Tuy nhiên, điện mặt trời chỉ có thể tạo ra vào ban ngày. Chính vì vậy, nếu bạn muốn sử dụng điện mặt trời vào ban đêm thì chúng ta cần có một thiết bị để lưu trữ, và đó là ắc quy điện mặt trời.

Chúng ta không thể chỉ lắp đặt hệ thống điện mặt trời mà không có nơi lưu trữ điện, bởi vì 2 vấn đề sau:

  • Hầu hết các thiết bị khi vận hành đều cần một nguồn điện có điện áp định mức ổn định, nhưng dòng điện mà tấm pin tạo ra sẽ có điện áp thay đổi theo bức xạ mặt trời.
  • Bạn không thể cung cấp điện cho các thiết bị vận hành vào ban đêm nếu không có ắc quy lưu trữ điện.

[DIY] Hướng dẫn lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời độc lập từ A - Z ắc quy

Có nhiều loại pin lưu trữ điện mặt trời khác nhau. Ắc quy ô tô cũng được thiết kế để lưu trữ dòng điện DC nhưng chúng lại không có khả năng xả sâu nên không được ứng dụng trong năng lượng mặt trời. Ắc quy năng lượng mặt trời axit chì có chu kỳ xả sâu, cho phép xả một phần và xả chậm. Do đó pin axit chì là lựa chọn hoàn hảo cho hệ thống điện mặt trời độc lập.

Ngoài ra, Pin Ni-MH và pin Lithium-ion cũng được sử dụng nhiều trong các ứng dụng năng lượng mặt trời nhỏ.

Tính toán và lựa chọn ắc quy

  • Dung lượng của pin được đánh giá theo Ampe-giờ (Ah).
  • Công suất = Điện áp x Cường độ dòng điện.
  • Năng lượng (Wh) = Điện áp (V) x Cường độ dòng điện (A) x Thời gian (giờ).
  • Điện áp pin = 12V (vì hệ thống trong ví dụ này là 12V).
  • Dung lượng pin = Tải / Điện áp = 1600 / 12 = 133,3 Ah.
  • Trên thực tế chúng ta cần tính toán mức hao mòn pin là 15%. Vậy nên, dung lượng pin cần thiết là 133,3 : 0.85 ≈ 157 Ah.
  • Để pin duy trì được tuổi thọ tốt hơn, chúng ta không nên để chúng xả ở mức tối đa (100%). Đối với pin axit-chì ngập nước chỉ nên xả 60% (độ xả sâu – DOD).
  • Vậy chốt lại, dung lượng pin cần thiết cho ví dụ này sẽ là 157 : 0.6 ≈ 262 Ah (có thể sử dụng ắc quy 300Ah có sẵn trên thị trường).

Bước 4: Lựa chọn điều khiển sạc pin năng lượng mặt trời

Bộ điều khiển sạc pin năng lượng mặt trời là một thiết bị được đặt giữa tấm pin và ắc quy. Nó làm nhiệm vụ điều chỉnh điện áp và cường độ dòng điện đến từ các tấm pin của bạn. Nó được sử dụng để duy trì điện áp sạc thích hợp cho pin lưu trữ. Khi điện áp đầu vào từ tấm pin tăng lên, điều khiển sạc sẽ điều chỉnh sạc cho acquy để ngăn chặn việc sạc quá mức.

Thông thường, các hệ thống điện năng lượng mặt trời không hòa lưới sử dụng pin sạc 12V. Tuy nhiên, tấm pin mặt trời có thể cung cấp điện áp cao hơn nhiều so với yêu cầu của ắc quy (chẳng hạn pin mặt trời 400W có điện áp định danh lên đến 41.7V). Về bản chất, khi chuyển đổi điện áp dư thành cường độ dòng điện, điện áp sạc có thể được giữ ở mức tối ưu trong khi thời gian cần thiết để sạc đầy được giảm. Điều này cho phép hệ thống điện mặt trời hoạt động ổn định và tối ưu.

Các kiểu điều khiển sạc pin mặt trời

Có 2 dòng điều khiển sạc phổ biến được ứng dụng cho ngành năng lượng mặt trời là PWM (điều chế độ rộng xung) và MPPT (theo dõi mức công suất tối đa). Trong 2 loại điều khiển sạc này, MPPT có giá đắt hơn nhưng đổi lại chúng lại có hiệu quả tốt hơn. Vậy nên, bạn có thể lựa chọn 1 trong 2 tùy sở thích của mình.

[DIY] Hướng dẫn lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời độc lập từ A - Z - điều khiển sạc

Tính toán và lựa chọn điều khiển sạc năng lượng mặt trời

  • Vì hệ thống theo ví dụ này là 12V nên chúng ta cần lựa chọn điều khiển sạc 12V.
  • Cường độ dòng điện = Công suất đầu ra của tấm pin / Điện áp = 400W / 12V = 33.3A.
  • Chúng ta cũng cần mở rộng ra 20%, do đó điều khiển sạc mà chúng ta cần sẽ có số liệu ampe là 33.3 x 1.2 ≈ 40A
  • Như vậy trong trường hợp này, chúng ta sẽ lựa chọn bộ điều khiển sạc pin 12V/40A.

Nếu bạn muốn tối ưu chi phí lắp đặt thì bạn có thể lựa chọn điều khiển sạc PWM, còn nếu bạn muốn hệ thống vận hành hiệu quả hơn thì có thể lựa chọn loại điều khiển sạc năng lượng mặt trời MPPT.

Bước 5: Lựa chọn biến tần năng lượng mặt trời

Pin năng lượng mặt trời (PV) tiếp nhận bức xạ mặt trời và chuyển đổi chúng thành điện năng và đây là dòng điện một chiều (DC). Dòng điện DC này sau đó cần được chuyển đổi thành dòng điện xoay chiều AC (để phù hợp với phần lớn các thiết bị điện gia dụng) thông qua một thiết bị gọi là inverter năng lượng mặt trời.

Các kiểu biến tần

  • Sóng vuông (Square Wave).
  • Sóng hình sin đã điều chỉnh (Modified Sine Wave).
  • Sóng sin chuẩn (Pure Sine Wave).

Inverter sóng vuông rẻ nhất trong 3 loại nhưng không phù hợp cho tất cả các thiết bị. Đầu ra của biến tần sóng sin đã điều chỉnh cũng không phù hợp với một số thiết bị nhất định, đặc biệt là những thiết bị điện dung và điện từ như tủ lạnh, lò vi sóng và hầu hết các loại động cơ. Biến tần sóng sin đã điều chỉnh thường hoạt động với hiệu suất thấp hơn inverter sóng sin chuẩn.

Vì vậy, theo ý kiến cá nhân tôi bạn nên lựa chọn các inverter sóng hình sin chuẩn. Inverter có 2 loại là hòa lưới và độc lập. Tất nhiên ở hướng dẫn này chúng ta sẽ lựa chọn biến tần độc lập.

[DIY] Hướng dẫn lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời độc lập từ A - Z - inverter

Lựa chọn inverter

Xếp hạng công suất của inverter cần lựa chọn phải bằng hoặc cao hơn tổng tải (cao điểm nhất) tính bằng watt (W).

Trong trường hợp của chúng ta ở hướng dẫn này, tải tối đa tại thời điểm bật tất cả các thiết bị (4 đèn 10W, 1 tivi 75W, 2 quạt 55W) là 4 x 10 + 75 + 2 x 55 = 225W. Như vậy chúng ta có thể lựa chọn một biến tần 300W.

Vì hệ thống của chúng tôi là 12V, nên chúng ta sẽ lựa chọn một inverter năng lượng mặt trời 300W 12V/220V/50HZ

Bước 6: Đấu nối tiếp và song song

Trong nhiều trường, kích thước của tấm pin hoặc ắc quy không có sẵn các loại “vừa vặn” với nhau được bán trên thị trường, chẳng hạn bạn cần lắp hệ thống pin mặt trời tạo ra 160W bạn cần phải mua 1 tấm 100W và 1 tấm 60W. Do đó, bạn cần phải biết cách đấu nối chúng theo kiểu nối tiếp hoặc song song sao cho phù hợp với hệ thống.

[DIY] Hướng dẫn lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời độc lập từ A - Z 2

Mắc nối tiếp

Để nối bất kỳ thiết bị nào theo kiểu nối tiếp bạn phải kết nối cực dương của thiết bị thứ nhất với cực âm của thiết bị tiếp theo. Đối với việc mắc nối tiếp, điện áp sẽ bằng tổng điện áp riêng của từng thiết bị.

Ví dụ: Ta cho 4 ắc quy 12V đấu nối tiếp với nhau, thì tổ hợp ắc quy đó sẽ tạo ra mức điện áp là 12 + 12 + 12 + 12 = 48V. Trong một mạch nối tiếp, cường độ dòng điện sẽ là như nhau.

Vậy nếu chúng ta sử dụng pin 12V/100Ah thì tổ hợp 4 pin mắc nối tiếp này sẽ là 48V/100Ah. Tương tự nếu chúng ta có 4 tấm pin mặt trời có điện áp định danh 17V và được đánh giá 5 ampe (A), thì khi nối tiếp 4 tấm pin sẽ có mạch là 68V/5A.

Mắc song song

Khi đấu nối song song, bạn phải kết nối cực dương của thiết bị đầu tiên với cực dương của thiết bị tiếp theo và cực âm của thiết bị đầu tiên với cực âm của thiết bị tiếp theo đó.

Trong mạch đấu song song, điện áp luôn được giữ nguyên và giá trị cường độ dòng điện của mạch sẽ bằng tổng cương độ dòng điện của tất cả các thiết bị.

Ví dụ: Ta đấu nối 2 ắc quy 12V/100Ah song song với nhau, lúc này điện áp vẫn sẽ là 12V nhưng đánh giá cường độ dòng điện lúc này là 100 + 100 = 200Ah. Tương tự, nếu kết nối song song 2 tấm pin 12V/5A thì hệ thống sẽ tạo ra dòng điện 17V/10A.

Bước 7: Đi dây điện

[DIY] Hướng dẫn lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời độc lập từ A - Z 3

Thành phần đầu tiên chúng ta cần đi dây là điều khiển sạc. Bên dưới của điều khiển sạc của tôi có 3 dấu hiệu. Từ trái sang phải, cái đầu tiên là để kết nối tấm pin mặt trời có dấu dương (+) và âm (-). Cái thứ hai có dấu cộng (+) và dấu trừ (-) là để cho kết nối ắc quy và cái cuối cùng là để cho kết nối tải DC trực tiếp.

[DIY] Hướng dẫn lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời độc lập từ A - Z 4

Theo hướng dẫn của bộ điều khiển sạc, luôn luôn kết nối điều khiển sạc với ắc quy trước tiên vì điều này cho phép bộ điều khiển sạc tự hiệu chỉnh phù hợp với hệ thống 12V hoặc 24V. Kết nối dây màu đỏ (+) và đen (-) từ dàn ắc quy với bộ điều khiển sạc.

Lưu ý:Trước tiên, kết nối dây đen (âm) từ ắc quy với cực âm của bộ điều khiển sạc, sau đó mới kết nối dây đỏ (dương).

Sau khi kết nối ắc quy với điều khiển sạc pin, bạn có thể thấy đèn báo sáng lên để chỉ báo mức pin.

Tiếp theo kết nối biến tần với ắc quy, cực dương inverter với cực dương ắc quy và cực âm với cực âm tương ứng.

[DIY] Hướng dẫn lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời độc lập từ A - Z 5

 

[DIY] Hướng dẫn lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời độc lập từ A - Z 6

Bây giờ bạn phải kết nối tấm pin mặt trời với bộ điều khiển sạc. Ở mặt sau của tấm pin năng lượng mặt trời, có một hộp nối nhỏ với 2 dây được kết nối với dấu dương (+) và âm (-). Các dây đầu cuối này thường thì ngắn. Để kết nối dây với bộ điều khiển sạc, bạn cần một loại đầu nối dây điện mặt trời đặc biệt chuyên dụng là đầu nối MC4. Sau khi kết nối tấm pin với điều khiển sạc, đèn chỉ báo màu xanh lá cây sẽ sáng lên nếu tấm pin đang được ánh nắng chiếu vào.

[DIY] Hướng dẫn lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời độc lập từ A - Z 7

Lưu ý: Hãy kết nối tấm pin với điều khiển sạc ở nơi râm mát hoặc bạn có thể sử dụng vật gì đó để che bề mặt tấm pin lại. Điều này để tránh điện áp từ tấm pin đến bộ điều khiển sạc tăng đột ngột có thể làm hỏng nó.

Sự an toàn:

Điều quan trọng cần lưu ý là chúng ta đang xử lý dòng điện một chiều DC. Vì vậy, cực dương sẽ được kết nối với cực dương (tương tự âm với âm) từ tấm pin đến điều khiển sạc. Nếu bị lẫn lộn, thiết bị có thể bị nổ và gây ra một vụ cháy. Do đó, bạn cần phải cực kỳ cẩn thận khi thực hiện công việc kết nối dây này. Nên sử dụng những loại dây có phân biệt 2 màu rõ ràng là đỏ (dương) và đen (âm).

Chúng ta sẽ kết nối thiết bị tải sau cùng.

Bảo vệ bổ sung:

Mặc dù bộ điều khiển sạc năng lượng mặt trời và inverter có sẵn các tính năng bảo vệ hệ thống, nhưng bạn có thể đặt thêm các công tắc và cầu chì để ngắt kết nối kịp thời khi có sự cố, đặt tại các vị trí sau:

  • Ở giữa tấm pin mặt trời và điều khiển sạc pin.
  • Ở giữa điều khiển sạc và ắc quy.
  • Ở giữa ắc quy và inverter.

Định lượng và ghi chép dữ liệu:

Nếu bạn quan tấm đến việc làm sao để biết mức năng lượng tạo ra từ tấm pin năng lượng mặt trời của bạn là bao nhiêu hoặc bao nhiêu năng lượng bị tiêu thụ bởi các thiết bị điện thì bạn sẽ cần đến đồng hồ đo năng lượng.

Bên cạnh đó, bán có thể theo dõi các thông số khác trong hệ thống điện mặt trời độc lập của mình bằng cách ghi dữ liệu từ xa.

Bước 8: Lựa chọn dây cáp điện mặt trời

Dòng điện được tạo ra từ pin mặt trời trên đường đến ắc quy sẽ có tổn thất nhỏ. Mỗi loại cáp điện sẽ có mức điện trở riêng (Ω). Việc tổn thất này ít hay nhiều là do chất lượng dây cáp nối.

V = I x R (Ở đây V là điện áp trên cáp, R là điện trẻ và I là cường độ dòng điện).

Điện trở (R) của cáp phụ thuộc vào 3 tham số sau:

1. Độ dài dây cáp: Cáp dài hơn, điện trở sẽ cao hơn.
2. Kích thước (diện tích mặt cáp): Kích cỡ dây cáp càng lớn thì điện trở càng nhỏ.
3. Chất liệu làm cáp: Đồng hoặc nhôm. Dây đồng có điện trở kháng thấp hơn dây nhôm.

Trong hướng dẫn này, tôi đề xuất sử dụng cáp đồng thích hợp hơn.

Lưu ý: Cấp điện áp của dây cáp phải phù hợp với điện áp của tối đa của hệ thống pin mặt trời.

[DIY] Hướng dẫn lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời độc lập từ A - Z 8

Bước 9: Lựa chọn loại dây cáp hỗ trợ phù hợp cho inverter và ắc quy

Một điều rất quan trọng là bạn phải sử dụng loại cáp thích hợp cho biến tần và ắc quy của bạn. Nếu lựa chọn cáp không phù hợp có thể dẫn đến việc biến tần của bạn không hỗ trợ tải full và bị quá nhiệt, thậm chí đây còn là nguy cơ hỏa hoạn tiềm ẩn. Điều này cực kỳ quan trọng có thể gây nguy hiểm nên nếu bạn không chắc chắn hay liên hệ với một thợ điện có chuyên môn để nhờ tư vấn và hỏi bất cứ câu hỏi nào mà bạn muốn:

  1. Inverter của bạn có công suất bao nhiêu?
  2. Điện áp DC ắc quy của bạn là bao nhiêu?
  3. Bây giờ hãy chia công suất biến tần cho điện áp ắc quy của bạn, việc này sẽ cung cấp cho bạn mức cường độ dòng điện tối đa cho dây cáp của bạn.

Ví dụ:

Cường độ dòng điện (A) = Công suất (W) / Điện áp (V)

Ở đây ta ví dụ xét 1 biến tần 300W được kết nối với ắc quy 12V.

Cường độ dòng điện = 300W / 12VDC = 25A.

Vì vậy, 25A là dòng điện tối đa mà cáp cần hỗ trợ được để cung cấp đúng dòng điện cho biến tần. Bạn có thể lựa chọn loại dây cáp 30A có sẵn trên thị trường.

Lưu ý: Đối với khoảng cách trên 10 feet (≈ 3m), sự sụt áp trên cáp sẽ xảy ra do điện trở thông qua hệ thống dây điện. Nếu bạn cần chạy dây cáp dài hơn 10 feet, bạn nên chọn loại cáp có kích thước lớn hơn để bù đắp cho việc mất điện áp.

Bước 10: Gắn tấm pin năng lượng mặt trời

Sau khi thiết kế hệ thống điện năng lượng mặt trời độc lập và mua sắm đầy đủ các thành phần ở các bước trên.

Ở bước này chúng ta sẽ gắn tấm pin năng lượng mặt trời. Đầu tiên, chọn một vị trí phù hợp trên sân thượng nhà bạn hoặc một vị trí nào đó mà không bị che khuất ánh nắng mặt trời.

Chuẩn bị giá đỡ tấm pin: Bạn có thể tự làm nó hoặc tốt hơn là mua bộ giá đỡ có sẵn trên thị trường. Độ nghiêng của giá đỡ theo các chuyên gia điện năng lượng mặt trời sẽ bằng với góc vĩ độ tại vị trí của bạn (ví dụ ở HCM vĩ độ là 10°10′ – 10°38′).

Hướng: Để tận dụng tốt tấm pin mặt trời, bạn cần hướng chúng về phía đối diện trực tiếp với mặt trời, hay nói cách khác là hướng về phía Xích đạo. Việt Nam thuộc bắc bán cầu, vì thế hướng tối ưu là hướng về phía nam.

KẾT LUẬN:

Hi vọng với bài viết mà tôi chia sẻ ở trên bạn sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về một hệ thống điện mặt trời độc lập, cách các bộ phận vận hành với nhau, cách để lựa mua thiết bị năng lượng mặt trời cũng như cách thức để bạn có thể tự mình thiết lập một hệ thống năng lượng mặt trời độc lập cho riêng mình.

Ngoài ra, bạn có thể tìm đọc thêm nhiều kiến thức xoay quanh về ĐIỆN NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI của GivaGroup tại liên kết: https://givasolar.com.vn/category/tin-tuc/

Tài liệu được tham khảo từ: https://www.instructables.com