Để tối ưu hoá tốt nhất cho việc sản xuất của các tấm pin năng lượng, đừng bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của việc điều chỉnh hướng và góc nghiêng của chúng. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào hệ thống của bạn cũng sẽ đạt được mức sản lượng tối đa bởi vì hướng chiếu nắng của Mặt trời thay đổi liên tục trong năm, điều chúng ta cần làm là xác định góc và hướng của các tấm pin mặt trời làm sao để tối ưu hoá sản lượng nhất cho cả năm.
Mục lục
Tại sao góc nghiêng và định hướng của các tấm pin lại quan trọng?
Độ nghiêng rất quan trọng vì các tế bào quang điện năng lượng mặt trời sẽ tạo ra sản lượng tối đa khi được Mặt trời chiếu nắng vuông góc với bề mặt tấm pin.
Theo nguyên lý cấu tạo thì các tế bào quang điện sẽ hoạt động tốt và hiệu quả cao khi có ánh nắng mặt trời chiếu vào trực tiếp, do đó việc điều chỉnh hướng các tấm pin sao cho đối diện với Mặt trời dĩ nhiên sẽ làm cho các tế bào nhận được lượng sáng tối ưu hơn, qua đó cho ra sản lượng điện nhiều hơn.
Nên chọn hướng, góc nghiêng nào để tối ưu hoá sản lượng điện mặt trời cho cả năm?
Góc nghiêng hệ thống điện năng lượng mặt trời: Các tấm pin năng lượng sẽ tạo ra điện nhiều hơn vào mùa hè bởi thời gian chiếu nắng của mùa hè sẽ cao hơn mùa đông, chính vì thế các nhà cùng cấp thường sẽ ưu tiên tối ưu hoá góc nghiêng cho mùa hè hơn để có được sản lượng tốt nhất cho cả năm. Các chuyên gia đã cho biết góc nghiêng tối ưu đối với các tấm pin chính bằng vĩ độ tại vị trí địa lý nơi đặt các tấm pin (ví dụ: ở HCM vĩ độ là khoảng 10° thì góc nghiêng tối ưu sẽ là 10°).
Hướng tấm pin quang điện (PV): Tuỳ thuộc vào vị trí địa lý nơi đặt hệ thống điện mặt trời mà ta sẽ định hướng sao cho đối diện với Mặt trời. Trường hợp bạn sống ở Bắc bán cầu (tức là nửa trên của xích đạo) thì bạn sẽ hướng các tấm pin năng lượng của mình về phía nam và ngược lại nếu ở Nam bán cầu thì sẽ hướng về phía bắc.
Các tấm pin mặt trời lắp dọc ở mặt tiền các toà nhà, có ý nghĩa gì không?
Chắc hẳn sẽ có rất nhiều người thắc mắc là có một số toà nhà lớn có các bảng pin quang điện được cài đặt theo chiều dọc như cửa sổ thì hoàn toàn sai về nguyên tắc góc nghiêng và hướng, vậy tại sao họ vẫn làm thế? – Thông thường lắp theo chiều dọc đứng vuông góc với mặt đất như vậy sẽ tạo ra ít năng lượng hơn, nhưng trong một số trường hợp thì điều này vẫn có ý nghĩa tuỳ thuộc vào nhu cầu và những hạn chế cụ thể của toà nhà. Ví dụ, tại thành phố Aomori của Nhật Bản là một nơi có mật độ tuyết rơi rất cao, do đó việc lắp đặt theo chiều dọc sẽ có ý nghĩa trong việc tránh tuyết bám, tích tụ trên bề mặt và cho phép người dùng không tốn nhiều công sức để vệ sinh chúng.
Trường hợp lắp đặt năng lượng mặt trời trên mái nhà cố định, lựa chọn hướng nào để tốt nhất cho sản xuất?
Việt Nam chúng ta thuộc Bắc bán cầu, đồng nghĩa với việc hướng các tấm pin về phía Nam sẽ giúp nhận ánh nắng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, không phải mái nhà nào cũng có hướng chuẩn về phía Nam vì vậy trước khi lắp đặt hệ thống trên mái thì chúng ta cần phải xem xét.
Chúng ta nên ưu tiên lắp đặt các tấm pin trên mái với các hướng lần lượt như phía Nam chuẩn, Đông Nam, Tây Nam. Nếu mái nhà bạn không có được những hướng tốt như vậy thì có thể xem xét đến các kiểu lắp đặt khác như lắp đặt dưới mặt đất hoặc phải tốn thêm chí để trang bị các giàn giá đỡ.