Đầu tư điện mặt trời năm 2021 có “đáng giá” không?

Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời đã trải qua thời kỳ tăng trưởng rất nhanh chóng trong những năm gần đây. Trong năm 2009, tính trên toàn thế giới, tổng công suất lắp đặt điện năng lượng mặt trời chưa đến 20GW (20 triệu kW). Đến năm 2020, con số này đã tăng vọt lên hơn 480GW, tốc độ tăng trưởng gấp 24 lần chỉ sau 1 thập kỷ.

Sự tăng trưởng đó đã được thực hiện nhờ những tiến bộ mạnh mẽ về công nghệ. Cũng trong khoảng thời gian trên, chi phí của một hệ thống từ 7 USD/watt (ở Hoa Kỳ năm 2009, thời điểm đó điện mặt trời tại Việt Nam chưa phát triển) giảm xuống đến năm 2021 chỉ còn chưa đến 1 USD/watt (16.000 đồng/watt) tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa là giờ đây bạn chỉ cần bỏ ra 1/7 chi phí lắp điện mặt trời so với 10 năm về trước để sở hữu một hệ thống tương tự.

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ pin năng lượng mặt trời và công nghệ sản xuất giúp giảm giá pin mặt trời như vậy, liệu việc đầu tư lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trong năm 2021 có thực sự “đáng giá” hay không? – Hãy cùng tôi phân tích kỹ hơn để có câu trả lời trọn vẹn thông qua bài viết dưới đây:

Làm sao để biết các hệ thống điện mặt trời “giá trị” như thế nào?

Nếu năng lượng mặt trời ngày càng rẻ hơn và công nghệ liên tục được cải thiện hiệu quả, điều đó có thực sự khiến nó trở thành một khoản đầu tư tốt hơn so với các lựa chọn đầu tư khác hay không? – Chúng ta không thể chỉ dựa vào nó để kết luận, mà cần phải so sánh lợi ích của năng lượng mặt trời với các phương pháp cung cấp năng lượng khác (ví dụ như điện từ gió, máy phát điện diesel…).

Đối với các hệ thống điện mặt trời nối lưới, bạn cần so sánh chi phí lắp điện mặt trời với chi phí mua điện từ công ty điện lực để ước tính thời gian hoàn vốn năng lượng mặt trời.

So sánh lợi ích giữa việc đầu tư điện mặt trời với việc mua điện lưới

Các chủ đầu tư điện năng lượng mặt trời nối lưới mua/bán điện với công ty điện lực theo các mức giá Nhà nước quy định. Khi bạn lắp đặt năng lượng mặt trời với kết nối với điện lưới, hóa đơn điện của bạn sẽ giảm (hoặc bị loại bỏ hoàn toàn) vì hệ thống của bạn tự tạo ra điện sử dụng thay vì mua từ lưới điện. Để biết việc lắp đặt pin mặt trời có đáng để đầu tư hay không, bạn chỉ cần so sánh chi phí trọn đời của hệ thống solar với chi phí mua điện lưới.

Chúng tôi sử dụng khung thời gian trung bình 25 năm để đo lường tuổi thọ của một hệ thống điện năng lượng mặt trời, vì đây là khoảng thời gian bảo hành hiệu suất tiêu chuẩn của phần lớn các loại tấm pin năng lượng mặt trời.

Hãy tìm một chiếc máy tính bỏ túi và cùng tôi làm một vài phép toán nào!

Ở đây, tôi sẽ lấy ví dụ từ một hóa đơn điện trong tháng gần nhất của anh Nguyễn Quốc A, bạn có thể nhìn vào ảnh bên dưới đây:

Đầu tư điện mặt trời năm 2020 có "đáng giá" không? 1
Mẫu hóa đơn tiền điện của anh Nguyễn Quốc A

Bước 1: Tìm hiểu giá điện lưới tại nơi bạn đang sinh sống

Để tính ra được tổng chi phí 25 năm mua điện lưới, bạn sẽ cần xác định được mức giá điện hiện tại và mức tiêu thụ điện trung bình trong 12 tháng của gia đình mình.

  • Để xác định mức giá điện lưới tại khu vực của bạn, cách đơn giản nhất là truy cập vào website của Tập đoàn điện lực Việt Nam. Một cách khác là bạn có thể xem trên hóa đơn tiền điện tháng gần nhất của nhà bạn.
  • Tìm mức tiêu thụ điện trung bình hàng tháng của bạn: Cũng dựa vào hóa đơn điện bạn có thể tìm được chỉ số điện tiêu thụ trong tháng của mình. Nếu bạn có dữ liệu 12 tháng thì quá tốt, hãy cộng chỉ số điện tiêu thụ của 12 tháng gần nhất lại và chia cho 12, bạn sẽ có được mức tiêu thụ điện trung bình hàng tháng của gia đình mình (nếu không có đủ dữ liệu 12 tháng, có thể lấy ước tính chỉ số tiêu thụ tháng gần nhất làm mức tiêu thụ trung bình hàng tháng). Trong ví dụ này, anh Nguyễn Quốc A có chỉ số điện tiêu thụ tháng gần nhất là 590 kWh.

Sau khi có được 2 số liệu cần thiết, ta có thể tính tổng chi phí điện mua từ lưới của anh Nguyễn Quốc A trong 25 năm là:

1.864 (VNĐ) x 590 (kWh) x 12 (tháng) x 25 (năm) ≈ 330.000.000 VNĐ

Như vậy 330 triệu đồng là khoảng chi phí mà anh A phải bỏ ra để mua điện lưới phục vụ cho nhu cầu điện của gia đình mình trong suốt 25 năm. Bây giờ, chúng ta sẽ tiếp tục đi tính toán xem để lắp đặt một hệ thống điện mặt trời có thể cung cấp điện cho anh A trong 25 năm tương tự sẽ tốn bao nhiêu chi phí.

Lưu ý: Tại Việt Nam, mức giá điện sẽ chia làm nhiều bậc, sử dụng càng nhiều điện mức giá cho mỗi kWh sẽ càng tăng cao. Nếu xét trên thực tế dựa theo biểu giá điện EVN, anh Nguyễn Quốc A có thể sẽ phải trả khoảng chi phí 480 triệu đồng cho 25 năm mua điện lưới. (bạn có thể thấy trong hóa đơn ở trên)

Bước 2: Tính toán kích thước hệ thống và tổng chi phí lắp đặt:

Chúng ta sẽ cần phải xác định được quy mô và chi phí để lắp đặt hệ thống đó:

Tôi đã có một bài viết rất chi tiết về vấn đề này mà bạn có thể đọc thêm: cách định cỡ lắp điện mặt trời tối ưu nhất.

Do đó để tiết kiệm thời gian đọc cho bài viết này tôi sẽ tính toàn nhanh cho ví dụ này là anh A sẽ cần một hệ thống điện năng lượng mặt trời 4kWp để có thể cung cấp đủ điện cho nhu cầu hiện tại của anh ấy. Hệ thống công suất 4kW này dựa theo báo giá hệ thống điện mặt trời hòa lưới của GivaGroup có giá khoảng 60 triệu đồng.

Bước 3: Ước tính chi phí vận hành hệ thống có thể phát sinh trong suốt 25 năm:

Đối với tấm pin năng lượng mặt trời sau khi đã lắp đặt, chi phí duy nhất có thể phát sinh mà bạn phải trả là việc vệ sinh chúng. Bạn có thể thuê các dịch vụ vệ sinh pin mặt trời hoặc cũng có thể tự mình làm công việc này để tiết kiệm tiền, nhưng trước tiên hãy tìm hiểu cách vệ sinh tấm pin.

Đối với biến tần năng lượng mặt trời, thường bạn sẽ phải bảo trì và thay thế chúng sau 5 – 7 năm sử dụng. Chúng có thể tồn tại lâu hơn thế, tuy nhiên có thể sẽ bị giảm hiệu suất đáng kể, do đó chúng tôi luôn khuyên Khách hàng thay mới inverter hòa lưới sau 5 – 7 năm.

Như vậy, đối với hệ thống điện mặt trời hòa lưới 4kWp này tôi tạm ước tính khoản chi phí có thể phát sinh trong suốt 25 năm là 40 triệu đồng.

Do đó, tổng chi phí lắp đặt và vận hành hệ thống (tạm gọi là chi phí trọn đời) sẽ dao động trên dưới 100 triệu đồng.

Bước 4: Xác định lợi tức đầu tư:

Để so sánh việc đầu tư năng lượng mặt trời của bạn với việc mua điện từ lưới quốc gia trong 25 năm, bạn sẽ cần phải ước tính lợi tức đầu tư của mình:

Lấy tổng chi phí mua điện lưới (ở bước 1) trừ cho tổng chi phí trọn đời của hệ thống năng lượng mặt trời (ở bước 3). Kết quả của phép toán này sẽ là tổng số tiền mà bạn có thể tiết kiệm được cho hóa đơn tiền điện trong 25 năm:

330 triệu – 100 triệu = 230 triệu đồng (nếu áp dụng các bậc giá điện con số này sẽ là 480 triệu – 100 triệu = 380 triệu đồng)

Trong ví dụ này, anh Nguyễn Quốc A đã đầu tư 100 triệu đồng và sau 25 năm thu về (tiết kiệm hòa đơn điện) tổng lãi 230 triệu đồng (tương đương với 9,2% mỗi năm). Con số này theo tôi là khá ổn.

Mặc dù năng lượng mặt trời là một khoản đầu tư không hề nhỏ, nhưng nó mang lại lợi ích lâu dài về tài chính. Ngoài ra, việc sử dụng năng lượng mặt trời còn mang đến nhiều lợi ích nhân văn khác như giảm thiểu khí thải CO2 ra môi trường (thay thế điện từ nhiên liệu khí đốt), sử dụng công nghệ hiện đại giúp “nâng tầm” cuộc sống…

Kết luận: Vậy điện năng lượng mặt trời có đáng để đầu tư?

Đối với các hệ thống điện năng lượng mặt trời hòa lưới, đặc biệt là các hệ thống điện mặt trời áp mái RẤT ĐÁNG để đầu tư. Chúng ta đã tính toán rất rõ ràng ở ví dụ trên và thấy được chi phí điện mặt trời ít hơn rất nhiều so với chi phí mua điện từ lưới trong thời gian dài. Đó là chưa kể đến việc giá điện lưới liên tục tăng qua các năm, tôi có một câu nói vui hay nói với Khách hàng của mình rằng:

“Giá điện có thể tăng, nhưng ánh sáng mặt trời thì luôn miễn phí!”

Khách hàng của GivaGroup phần lớn có thời gian hoàn vốn cho hệ thống điện mặt trời của họ dao động từ 5 – 7 năm và sau đó là một khoảng thời gian dài để tận hưởng những lợi ích từ nó.